5 nguyên tắc khi lái xe đường đèo cần ghi nhớ
Đặc biệt với những xe đang lên dốc mà có xu hướng vượt, cần nhường đường trong điều kiện an toàn và dành một khoảng thời gian đủ
Kỳ nghỉ lễ đã tới. Hứng lên, bạn có thể rủ bạn bè lái xe lên thăm thú vùng núi cao. Song, hãy cẩn thận, vì lái xe đường đèo sẽ sẽ trở nên nguy hiểm nếu không có những kỹ năng cần thiết.
Dưới đây là những kinh nghiệm và nguyên tắc khi lái xe đường đèo, dốc:
1. Lên và xuống dốc
Không chạy quá nhanh xuống dốc để phải sử dụng phanh hãm liên tục. Để làm được điều này, lưu ý nguyên tắc lên số nào xuống số đó. Đối với số sàn, có thể là số 2, số 3 tùy thuộc vào độ dài và dốc của đèo. Với xe số tự động, trả về chế độ S, L hoặc D1, D2, D3 hay chế độ bán tự động “+, -“.
Kỹ thuật phanh mà các chuyên gia khuyên dùng là kiểu phanh giữ tốc snubbing. Khi bắt đầu đổ đèo, thiết lập tốc độ và cấp số phù hợp với độ dài và độ dốc của đèo. Ví dụ tốc độ 40 km/h ở số 3. Bắt đầu thả dốc, không dùng chân ga và chân côn, chỉ dùng chân phanh. Khi xe trôi xuống dốc máy sẽ kêu to hơn và trôi nhanh dần, lúc này nhấp giữ phanh khoảng 3 giây để về lại tốc độ cần thiết rồi thả ra để xe tự trôi, tiếp tục như thế cho những đoạn đường còn lại. Nhất thiết không được sử dụng kiểu rà phanh liên tục (trail-braking) khi đổ đèo.
2. Đừng ôm vạch chia đường
Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.
3. Luôn nhường đường cho xe khác
Đặc biệt với những xe đang lên dốc mà có xu hướng vượt, cần nhường đường trong điều kiện an toàn và dành một khoảng thời gian đủ để xe đó trở lại đúng làn sau khi vượt. Độ dốc của đường núi hạn chế sức mạnh động cơ, vì thế thời gian để vượt cũng như trở lại làn sẽ lâu hơn so với đường bằng.
4. Cẩn thận khi gặp sương mù
Khi gặp sương mù, cần đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Thời tiết xấu dẫn tới mất độ bám đường và có thể dẫn tới sạt lở, vì thế luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm.
5. Nghỉ giữa chặng thường xuyên
Đi đường đèo núi cần tập trung cao độ và thân xe chuyển hướng nhiều nên dễ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi. Người lái và hành khách trên xe nên thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo để tiếp tục chặng đường.
Leave a Reply